Site icon Vườn Mai Sáu Hải

Nhà ba thế hệ làng mai Thủ Đức ‘làm điều bất ngờ’ để người Sài Gòn chơi Tết

Nhà ba thế hệ làng mai Thủ Đức ‘làm điều bất ngờ’ để người Sài Gòn chơi Tết

Gia đình ba thế hệ theo nghiệp trồng mai vàng ở làng mai Thủ Đức năm nay ‘chơi lớn’, giảm giá 30 – 40% để người Sài Gòn nào cũng có cơ hội mua mai chơi Tết sau một năm kinh tế khó khăn vì dịch Covid-19.

Những ngày đầu tháng Chạp cũng là thời điểm bắt đầu nhộn nhịp của làng mai Thủ Đức (TP.HCM). Với các hộ trồng mai lâu năm ở phường Hiệp Bình Chánh, Trường Thọ, Hiệp Bình Phước, Tam Phú,… đây là mùa bận rộn, được mong chờ nhất trong năm.

Nằm trong hẻm số 92 đường số 2 (P.Trường Thọ), vườn mai Sáu Hải của gia đình ông Huỳnh Văn Hải (48 tuổi) đã bắt đầu có khách đến tìm mua, thuê mai chơi Tết.

Giảm giá 30% để nhà nào cũng được mua mai chơi Tết

Gần 800 gốc mai của vườn mai Sáu Hải năm nay với đủ mức giá, từ vài trăm ngàn, đến vài triệu, thậm chí vài trăm triệu. Ông Hải cho hay, mỗi mùa Tết, nếu bán được cây mai “khủng” thì doanh thu có thể lên đến hơn 1 tỉ. Ngược lại, mai “khủng” không bán được mà chỉ cho thuê thì doanh thu sẽ chừng năm, bảy trăm triệu.

Nhà ông Sáu Hải ba thế hệ trồng hoa kiểng

Hơn 30 gắn bó với vườn mai, ông Sáu Hải nhớ nhất là năm 2000, ông chở mai đến Bến xe Miền Tây bán, gần đến giờ giao thừa, còn vài cây tính chở lại về vườn cũng có khách đến hỏi mua hết sạch. Đó là năm đầu tiên và cũng là năm duy nhất đến hiện tại ông Sáu Hải bán hết sạch mai mùa Tết.

Ngược lại, ông cũng phải sẵn sàng đối mặt với những rủi ro như chừng 5 năm trước, hoa mai nở muộn vì thời tiết trở lạnh. Ông lỗ trắng cả tiền nhân công, phân bón, công chăm sóc, nhân công.

Học xong cao đẳng, con trai ông Sáu Hải cũng nối nghiệp cha

Vài năm trở lại đây, ông chỉ bán tại vườn để tiết kiệm chi phí mặt bằng, giảm giá thành cho khách so với mặt bằng chung. Ông Sáu Hải cho hay, mọi năm cứ đến đầu tháng Chạp khách bắt đầu tấp nập đến chọn cây mai đặt cọc để qua 20 tháng Chạp bắt đầu chở về nhà. Nhưng năm nay, lượng khách chỉ lai rai, chủ yếu là khách quen.

Ông nói: “Đợt dịch qua người Sài Gòn ai cũng thất nghiệp 5 – 6 tháng, chủ nhà trọ còn giảm tiền nhà. Nay người ta vừa có việc làm lại tháng 10, thu nhập giảm, tiền ăn còn phải lo nên nếu tôi giữ giá mai như mọi năm sao mà bán được. Tôi giảm từ 30 – 40 % để nhà nào cũng có thể sắm mai chơi Tết”.

Năm nay, ông Sáu Hải “chơi lớn” giảm 30% để nhà nào cũng có thể sắm mai chơi Tết sau một năm dịch

Anh Huỳnh Lê Khánh Triều (28 tuổi, con trai ông Sáu Hải) cũng nhận xét, năm nay khách đến vườn mai giảm khoảng 40%, nhu cầu thuê mai lớn giá năm, bảy chục triệu cũng giảm. Một số gia đình thường thuê cây mai trưng Tết giá chục triệu, thì nay chỉ hỏi thuê cây tầm cây 5 – 6 triệu.

Ba thế hệ làm cây kiểng

Ông Sáu Hải cho biết, ngày ông còn nhỏ xíu đã thấy cha mẹ làm nghề chăm sóc cây kiểng. Hơn chục tuổi, ông phụ mẹ xới đất, tưới cây, dần dần thành đam mê, ông tìm tòi cách chăm sóc, bón phân và nối nghiệp cha mẹ.

Hơn 30 năm trước, nhận thấy cây mai đem lại hiệu quả kinh tế cao, ông tập trung làm vườn mai, các cây kiểng khác chỉ trồng một ít duy trì cho mối quen. Không tốn tiền mặt bằng, nhân công ít, cây mai được cắt tỉa, tạo hình đẹp mắt nên vườn mai Sáu Hải được nhiều người biết đến. Cho đến nay, hơn 70% khách dịp Tết đều là khách quen của gia đình.

Ngày thường, vườn mai của ông có 6 nhân công để tưới nước, dọn cỏ, bón phân. Dịp Tết, số nhân công lên đến hơn chục người vì thường xuyên phải khiêng vác, vận chuyển mai đến nhà cho khách.

Ông Sáu Hải là người hướng dẫn, truyền nghề cho các con

Ông chia sẻ: “Vườn mai này tôi làm cả năm, chỉ có thu nhập mùa Tết nhưng đủ nuôi cả 3 con ăn học. 2 con trai học xong cao đẳng, đại học nhưng rồi cũng nối nghiệp tôi tiếp tục với vườn mai. Thấy các con đam mê, tôi cũng hướng dẫn cách bón phân, tỉa lá, uốn cành thế nào để ra cây mai đẹp. Giờ con trai lớn cùng tôi làm vườn ở Trường Thọ, con trai giữa chăm vườn bên Linh Xuân”.

Anh Khánh Triều kể lại, sau khi tốt nghiệp, anh thử qua một số nghề nhưng cảm thấy không phù hợp. Đến khi quay về làm vườn mai nối nghiệp cha, được hòa với thiên nhiên, anh mới cảm nhận được như vừa tìm lại chính mình.

Năm nay, vườn mai Sáu Hải có khoảng 70% là khách quen

Đợt dịch qua người Sài Gòn ai cũng thất nghiệp 5 – 6 tháng, chủ nhà trọ còn giảm tiền nhà. Nay người ta vừa có việc làm lại tháng 10, thu nhập giảm, tiền ăn còn phải lo nên nếu tôi giữ giá mai như mọi năm sao mà bán được. Tôi giảm từ 30 – 40 % để nhà nào cũng có thể sắm mai chơi Tết

Ông Sáu Hải

“Ngày nay, nhiều bạn trẻ bỏ phố về quê, bỏ phố về rừng, tôi thấy mình may mắn vì nhà có sẵn vườn đây rồi. Tôi làm nông nhưng vẫn áp dụng được công nghệ thông tin để giới thiệu, quảng bá vườn mai của gia đình. Trong không gian tươi mát, anh em tôi được ba chỉ cách cột kẽm, bón phân, tỉa cành cây mai thế nào. Ngày thường hay ngày Tết thì ba cha con vẫn bận rộn với vườn mai của gia đình”, anh Triều tâm sự.

Trong vườn mai có nhiều cây đã ra nụ xanh, ông Sáu Hải cho hay đây là những cây được các công ty đặt cho nở sớm để ăn tất niên. Ông chăm cây lâu năm, “hiểu tánh cây” nên canh ngày nhặt lá để hoa nở rộ đúng ngày khách đặt.

Một số cây mai được nhặt lá sớm để nở sớm cho khách thuê ăn tất niên

Làm “nông dân” ở thành phố, ông Sáu Hải và hai con trai tay chân lúc nào cũng lấm lem, người ướt sũng mồ hôi nhưng cách nói chuyện luôn hào sảng, cởi mở. Cùng đứng cắt tỉa cây mai chuẩn bị nở sớm, cha con ông Sáu rôm rả, đôi mắt chẳng chút âu lo dù biết chắc chắn rằng năm nay doanh thu sẽ không được như trước vì ảnh hưởng của dịch.

Thông thường, gần rằm tháng Chạp, gia đình ông sẽ chi từ 50 – 70 triệu để thuê 50 người nhặt lá mai cho kịp thời điểm vàng để hoa nở rộ đúng mùng 1 Tết Nguyên đán. Năm nay, sinh viên ở TP.HCM ít, ông Sáu Hải vẫn tích cực tìm kiếm cho đủ nhân công.

Theo Phóng Viên Vũ Phượng- Báo Thanh Niên

Nhà vườn chân thành cảm ơn phóng sự đầy tâm huyết của quý báo Thanh Niên đã đến tận nơi để chia sẻ về vườn mai Sáu Hải.

 

Exit mobile version